Tin tức
13/10/2023
Lạm phát là một khái niệm kinh tế mà có lẽ đa phần mọi người đều từng nghe qua, nhưng bạn đã biết đến người anh em sinh đôi của nó: giảm phát?
Hãy cùng SeABank tìm hiểu xem giảm phát là gì và nó có ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống chúng ta nhé!
Giảm phát xảy ra khi giá tài sản và giá tiêu dùng giảm theo thời gian. Khi đó, các sản phẩm bạn mua sẽ có mức giá rẻ hơn. Cùng một số tiền bạn có thể mua nhiều được nhiều mặt hàng thiết yếu hơn trước đây.
Ví dụ, bình thường bạn phải trả 100.000đ cho một cân thịt heo. Tuy nhiên, khi giảm phát xảy ra, một cân thịt sẽ chỉ còn 80.000đ. Vậy là với cùng một số tiền nhưng bạn có thể mua nhiều hơn gấp 1,2 lần trước đây.
Điều này nghe qua tưởng chừng rất hấp dẫn, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm phát lại thường có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Nguyên nhân thường thấy nhất là sự sụt giảm nhu cầu trong thời gian dài. Bởi vây, giảm phát thường báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Khi tổng cầu suy giảm dẫn đến cung lớn hơn cầu và xảy ra dư thừa hàng hóa. Từ đó giá hàng hóa giảm đi. Tuy nhiên việc hàng hóa thừa mứa và không thể lưu thông sẽ khiến doanh thu các công ty sụt giảm, về lâu dài sẽ phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự và tiền lương. Hậu quả là kinh tế chậm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Do vậy, giảm phát thường mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn tích cực.
Ngoài ra, sự gia tăng của tổng cung có thể dẫn đến giảm phát. Khi có quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, lượng hàng hóa trong thị trường vượt quá nhu cầu tiêu thụ sẽ khiến giá giảm. Tuy nhiên, trường hợp này thường chỉ xảy ra với một vài nhóm ngành cụ thể, chứ khó tác động đến quy mô lớn.
Suy thoái kinh tế kéo theo mức lương giảm, mất việc làm và ảnh hưởng lớn đến hầu hết các khoản đầu tư. Giảm phát càng mạnh chứng tỏ cuộc suy thoái càng trở nên tồi tệ. Các doanh nghiệp buộc phải đặt giá thấp để thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm và dịch vụ của họ. Trong khi đó kỳ vọng giảm phát khiến người tiêu dùng chờ đợi mức giá thấp hơn trong tương lai. Điều đó làm giảm nhu cầu và làm chậm tăng trưởng.
Trong một số trường hợp, Nhà nước thường sẽ giảm cung tiền để thắt chặt chi tiêu. Điều này thường gắn liền với các hoạt động của Ngân hàng Trung ương như bán trái phiếu chính phủ hoặc thay đổi chính sách về thị trường vốn.
Khi nguồn cung tiền giảm, giá trị đồng tiền sẽ tăng lên tương ứng. Do đó, đồng tiền trở nên có giá hơn, giá cả cũng bị kéo xuống. Cuối cùng, nó sẽ tạo ra giảm phát.
Không phải mọi nguồn cơn của giảm phát đều xấu. Đó sẽ là một nguyên nhân tích cực nếu giảm phát do năng suất lao động tăng lên. Khi các công nghệ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất khiến năng suất lao động tăng lên, chi phí giảm đi thì doanh nghiệp có thể sẽ giảm giá bán sản phẩm. Qua đó người lao động sẽ nhận được lợi ích lớn.
Giảm phát ở một số loại mặt hàng nhất định có thể là điều tốt. Ví dụ, tình trạng giảm phát đang diễn ra ở hàng tiêu dùng, đặc biệt là máy tính và thiết bị điện tử.
- Đe dọa khả năng tăng trưởng nền kinh tế
- Việc cầu giảm, hàng hóa ứ đọng sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, các công ty cũng thường có xu hướng sử dụng giá làm công cụ cạnh tranh. Khi cầu giảm và việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn thì công cụ này sẽ càng bị lạm dụng. Giảm giá để giữ khách, giảm giá để cạnh tranh,… sẽ thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên thực tế, việc này chỉ có thể cứu vãn trong ngắn hạn. Về dài hạn thì lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn không ngừng suy giảm. Tình trạng này kéo dài lâu có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất. Từ đó khiến nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
- Đầu tư, tái đầu tư trở nên khó khăn hơn
Đồng tiền tăng giá đồng nghĩa rằng người tiêu dùng có xu hướng tích trữ tiền nhiều hơn, trì hoãn tiêu dùng với hy vọng "giá hàng ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay". Cung nội tệ thiếu, các dòng vốn bị tắc nghẽn làm cho các doanh nghiệp trên thị trường thiếu vốn để đầu tư. Ngay cả khi với một doanh nghiệp tìm đủ nguồn tiền để đi vay, giảm phát cũng kìm kẹp lại quyết định đi vay của doanh nghiệp đó do giá trị khoản vay ngày càng tăng.
- Tác động xấu đến tình hình xã hội
Khi các doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc đóng cửa sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Từ đó có thể khiến xã hội trở nên thiếu ổn định.
Rõ ràng, giảm phát thường mang đến những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Để chống lại quá trình giảm phát với tất cả những tác hại tiêu cực của nó, Nhà nước thường áp dụng những giải pháp "ngược chiều" với chống lạm phát.
Mỗi ngân hàng sẽ được quy định chỉ được dự trữ một lượng tiền cụ thể và không thể vượt quá. Lượng tiền này thường nhằm mục đích để cho vay. Tuy nhiên, nếu giảm phát xảy ra thì việc giữ tiền mặt mà không để nó trong lưu thông là một sai lầm, Do đó, quy định về giảm giới hạn dự trữ sẽ là cần thiết để tránh giảm phát hoặc ít nhất có thể cải thiện những tác động xấu nếu giảm phát có xảy đến.
Cách đơn giản nhất để tránh giảm phát là tăng lượng cung tiền trên thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước in thêm tiền và phát hành ra công chúng thì giá trị đồng tiền sẽ giảm đi do cung tăng lên. Mức độ giảm nhiều/ít sẽ phụ thuộc vào lượng tiền mà Nhà nước tung ra.
Các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mục tiêu đối với các khoản tiền ngắn hạn được cho vay trong và ngoài khu vực tài chính. Việc hạ lãi suất làm cho việc vay tiền trở nên rẻ hơn và khuyến khích đầu tư mới bằng cách sử dụng tiền đi vay. Nó cũng khuyến khích các cá nhân mua nhà hoặc các tài sản khác bằng cách giảm chi phí hàng tháng.
Nếu các cá nhân và doanh nghiệp ngừng chi tiêu, thì sẽ không có động lực để sản xuất và tuyển dụng người lao động. Chính phủ có thể tham gia với tư cách là người chi tiêu cuối cùng để duy trì hoạt động sản xuất và việc làm. Chính phủ thậm chí có thể vay tiền để chi tiêu bằng cách gây ra thâm hụt tài chính. Lúc này, các doanh nghiệp và nhân viên sẽ sử dụng số tiền chính phủ đó để chi tiêu và đầu tư cho đến khi giá bắt đầu tăng trở lại theo nhu cầu.
Kết luận:
Giảm phát là một chủ đề thú vị nhưng cũng vô cùng thách thức với các nhà kinh tế. Một chút giảm phát có thể là yếu tố tích cực trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ. Nhưng một khi tình trạng giảm phát quá đà, ngoài kiểm soát thì hệ quả của nó là vô cùng lớn.
SeABank hy vọng thông qua bài viết này đã giải đáp phần nào về hiện tượng giảm phát. Đừng quên cập nhật những thông tin tài chính hữu ích hàng tuần tại www.seabank.com.vn nhé.