Dư nợ thẻ tín dụng là gì? Cách quản lý và thanh toán dư nợ thẻ tín dụng hiệu quả

icon calendar23/04/2025

Dư nợ thẻ tín dụng là khái niệm quen thuộc với những ai đang sở hữu thẻ tín dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tác động của dư nợ thẻ tín dụng là gì đối với tài chính cá nhân. Khám phá ngay những vấn đề xoay quanh dư nợ thẻ tín dụng trong bài viết sau đây để quản lý tài chính hiệu quả bạn nhé!

Bạn đọc lưu ý: Các số liệu và thông tin trong bài viết được tổng hợp từ nguồn thị trường chung và không áp dụng riêng cho sản phẩm hay dịch vụ của SeABank.

1. Dư nợ thẻ tín dụng là gì?

Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền mà chủ thẻ đã sử dụng từ hạn mức tín dụng được ngân hàng cung cấp nhưng chưa thanh toán. Đây là khoản nợ chủ thẻ tín dụng phải trả vào cuối mỗi chu kỳ sao kê để tránh bị tính lãi suất cao hoặc phí phạt. Dư nợ thẻ tín dụng thường sẽ bao gồm tổng chi tiêu mua sắm hoặc giao dịch thanh toán, phí rút tiền mặt, lãi suất tính trên khoản nợ chưa trả và có thể kèm theo các khoản cho vay, ứng trước hoặc thấu chi từ tổ chức tín dụng.

Việc hiểu rõ dư nợ thẻ tín dụng là gì và các phương pháp quản lý dư nợ sẽ giúp bạn tận dụng hiệu quả lợi ích từ thẻ tín dụng, đồng thời tránh các rủi ro tài chính. Ngoài ra, bạn cần nắm bắt một số khái niệm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng sau đây:

  • Dư nợ cuối kỳ: Đây là tổng số tiền bạn đã chi tiêu hoặc rút tiền mặt tính đến thời điểm cuối chu kỳ sao kê. Nếu không thanh toán đầy đủ số tiền này trong thời hạn quy định, bạn sẽ bị tính lãi suất từ ngày giao dịch. Khi bạn thanh toán đủ dư nợ đúng hạn, dư nợ cuối kỳ sẽ bằng 0.
  • Số dư khả dụng: Là số tiền còn lại trong hạn mức tín dụng mà bạn có thể tiếp tục sử dụng. Số dư khả dụng được tính bằng hạn mức tín dụng trừ đi dư nợ hiện tại.
  • Số dư tạm tính: Đây là số tiền ngân hàng tạm tính trong trường hợp kỳ sao kê rơi vào các ngày nghỉ lễ, Tết để giúp bạn có thời gian chuẩn bị tài chính và thanh toán đúng hạn, tránh các khoản phí phát sinh không mong muốn.

2. Phân loại dư nợ thẻ tín dụng

Theo thông tin từ Trung tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam (CIC), dư nợ thẻ tín dụng hiện nay được phân loại thành 5 nhóm như sau:

Dư nợ đủ tiêu chuẩn

Dư nợ đủ tiêu chuẩn là các khoản nợ còn trong thời hạn thanh toán, không phát sinh bất kỳ vấn đề nào về việc thu hồi gốc và lãi hoặc các khoản nợ quá hạn nhưng chưa vượt quá 10 ngày. Các khoản dư nợ đủ tiêu chuẩn có khả năng thu hồi cao và không gây rủi ro cho tổ chức tài chính cũng như uy tín của chủ thẻ.

Dư nợ cần chú ý

Dư nợ cần chú ý bao gồm các khoản nợ có thời gian quá hạn từ 10 đến dưới 30 ngày và các khoản cần được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần đầu. Dư nợ cần chú ý là  tín hiệu ban đầu về nguy cơ thanh toán chậm, yêu cầu chủ thẻ cần cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng và lập kế hoạch chi trả hợp lý.

Dư nợ dưới tiêu chuẩn

Các khoản nợ được coi là dư nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng đã quá hạn dưới 30 ngày và các khoản nợ chủ thẻ được miễn hoặc giảm lãi vì khách hàng không đủ khả năng chi trả theo hợp đồng tín dụng. Dư nợ dưới tiêu chuẩn ảnh hưởng lớn đến uy tín tín dụng, khiến khách hàng khó tiếp cận các khoản vay mới.

Dư nợ có nghi ngờ

Dư nợ có nghi ngờ là nhóm nợ có dấu hiệu rủi ro cao, bao gồm các khoản nợ đã quá hạn từ 90 đến dưới 180 ngày, các khoản cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng đã quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày và các khoản phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai. Nhóm dư nợ này thường khiến các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ lưỡng khả năng thu hồi vốn.

Dư nợ có nguy cơ mất vốn

Dư nợ có nguy cơ mất vốn là nhóm nợ bao gồm các khoản nợ quá hạn trên 180 ngày, các khoản đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần đầu nhưng vẫn quá hạn trên 90 ngày và các khoản nợ đã được cơ cấu lại lần thứ hai hoặc thứ ba nhưng vẫn tiếp tục quá hạn.

Nhóm dư nợ này không chỉ gây mất uy tín cho khách hàng mà còn làm tổn thất tài chính lớn cho các tổ chức tín dụng.

Dư nợ thẻ tín dụng hiện nay được phân thành 5 nhóm.
Dư nợ thẻ tín dụng hiện nay được phân thành 5 nhóm.

3. Cách kiểm tra dư nợ thẻ tín dụng

Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý kiểm tra dư nợ thường xuyên và thanh toán đúng hạn để tránh nợ xấu và duy trì lịch sử tín dụng tốt. Để kiểm tra dư nợ thẻ tín dụng, bạn có thể áp dụng 3 phương pháp sau đây:

Kiểm tra qua Internet Banking

  • Bước 1: Truy cập vào website ngân hàng hoặc hệ thống Internet Banking của ngân hàng phát hành thẻ và đăng nhập.
  • Bước 2: Chọn mục "Thẻ tín dụng" hoặc "Thông tin tài khoản thẻ".
  • Bước 3: Theo dõi thông tin dư nợ, giao dịch phát sinh và số dư khả dụng được hiển thị trên màn hình.

Kiểm tra qua Mobile Banking

  • Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng Mobile banking của ngân hàng phát hành thẻ mà bạn đã cài đặt trên điện thoại.
  • Bước 2: Chọn mục "Quản lý thẻ” hoặc “Dịch vụ thẻ” trong giao diện trang chủ.
  • Bước 3: Chọn thẻ tín dụng cần xem và kiểm tra dư nợ thẻ.

Gọi hotline của ngân hàng phát hành thẻ

  • Bước 1: Gọi đến số hotline của ngân hàng phát hành thẻ trong giờ làm việc hành chính của ngân hàng. Số hotline này thường được in ở mặt sau của thẻ tín dụng.
  • Bước 2: Cung cấp thông tin cá nhân để xác thực.
  • Bước 3: Theo dõi thông tin dư nợ thẻ tín dụng, ngày đến hạn thanh toán và các chi tiết khác từ nhân viên ngân hàng.
Dư nợ thẻ tín dụng là khoản nợ chủ thẻ tín dụng phải trả vào cuối mỗi chu kỳ sao kê.
Dư nợ thẻ tín dụng là khoản nợ chủ thẻ tín dụng phải trả vào cuối mỗi chu kỳ sao kê.

4. Cách tính dư nợ thẻ tín dụng

Khi theo dõi dư nợ tín dụng thông qua hệ thống điện tử của ngân hàng, đôi khi bạn có thể thấy dư nợ hiện tại (số tiền bạn đang đã sử dụng tính đến thời điểm kiểm tra tài khoản) nhưng chưa tính vào kỳ sao kê. Sau kỳ sao kê, bạn mới có thể theo dõi khoản dư nợ cuối kỳ chính xác.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể tính dư nợ cuối kỳ theo công thức sau đây:

Dư nợ cuối kỳ = Dư nợ đầu kỳ + Tổng giao dịch trong kỳ + Phí và lãi - Các khoản thanh toán và hoàn tiền

Trong đó:

  • Dư nợ đầu kỳ: Là số tiền bạn còn nợ từ kỳ sao kê trước chưa được thanh toán.
  • Tổng giao dịch trong kỳ: Bao gồm tất cả các khoản mua sắm, thanh toán hóa đơn, và giao dịch khác phát sinh trong kỳ sao kê hiện tại.
  • Phí và lãi phát sinh: Bao gồm lãi suất áp dụng trên dư nợ chưa thanh toán và các loại phí như phí thường niên, phí chậm thanh toán hoặc các chi phí khác.
  • Các khoản thanh toán và hoàn tiền: Ghi nhận toàn bộ số tiền bạn đã thanh toán trong kỳ và số tiền được hoàn lại từ ngân hàng hoặc đối tác bán hàng (nếu có).

Ví dụ:

Bạn có dư nợ đầu kỳ là 5.000.000 đồng, giao dịch trong kỳ là 2.500.000 đồng, các khoản thanh toán và hoàn tiền là 430.000 đồng kèm lãi phát sinh trên dư nợ chưa thanh toán là 300.000 đồng.

Như vậy, dư nợ tín dụng cuối kỳ của bạn là: 5.000.000 + 2.500.000 + 300.000 - 430.000 = 7.370.000 đồng.

Bạn có thể theo dõi dư nợ tín dụng thông qua hệ thống điện tử của ngân hàng hoặc tự tính toán.
Bạn có thể theo dõi dư nợ tín dụng thông qua hệ thống điện tử của ngân hàng hoặc tự tính toán.

4. Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng như thế nào?

Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn không chỉ giúp bạn duy trì điểm tín dụng tốt mà còn tránh các khoản phí phạt không đáng có. Bạn có thể thanh toán dư nợ thẻ tín dụng theo những cách sau:

Thanh toán qua ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng

Đây là cách thanh toán dư nợ thẻ tín dụng an toàn và tiện lợi nhất. Bạn có thể thanh toán thủ công với số tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng tính năng trích nợ tự động của ngân hàng.

  • Thanh toán thủ công: Đăng nhập ứng dụng, chọn mục "Quản lý thẻ” hoặc “Dịch vụ thẻ” trong giao diện trang chủ. Chọn thẻ tín dụng cần thanh toán, sau đó bấm “Thanh toán dư nợ”, nhập số tiền thanh toán và xác nhận giao dịch.
  • Trích nợ tự động: Đến chi nhánh/quầy giao dịch ngân hàng gần nhất hoặc liên hệ hotline của ngân hàng phát hành thẻ để đăng ký dịch vụ trích nợ tự đồng. Khi sử dụng dịch vụ này, ngân hàng sẽ tự động trích từ tài khoản ngân hàng của bạn một số tiền bằng 100% dư nợ trong kỳ hoặc dư nợ tối thiểu khi đến hạn sao kê.

Thanh toán qua ví điện tử

Các ví điện tử như MoMo, ZaloPay hay VNPay hỗ trợ thanh toán dư nợ thẻ tín dụng nhanh chóng. Các bước thực hiện thanh toán như sau:

  • Bước 1: Mở ứng dụng ví điện tử và ứng dụng Mobile banking ngân hàng. Liên kết ví điện tử với thẻ tín dụng.
  • Bước 2: Trong ứng dụng ví điện tử, chọn lần lượt các mục “Thanh toán hóa đơn” => “Thanh toán thẻ tín dụng”.
  • Bước 3: Điền các thông tin về thẻ, nhập số tiền cần trả và chọn “Xác nhận giao dịch” để hoàn tất thanh toán.

Thanh toán qua cây ATM

Nếu không sử dụng ứng dụng Mobile banking hoặc điện thoại của bạn đang không có sẵn kết nối Internet, bạn có thể thanh toán dư nợ tín dụng tại các cây ATM của ngân hàng phát hành thẻ.

  • Bước 1: Đưa thẻ vào máy ATM.
  • Bước 2: Chọn mục "Chuyển khoản" hoặc "Thanh toán thẻ tín dụng".
  • Bước 3: Nhập số tiền cần thanh toán và xác nhận giao dịch.

Thanh toán tại chi nhánh/PGD

Ngoài những cách thanh toán hiện đại kể trên, bạn cũng có thể thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trực tiếp tại các chi nhánh hoặc quầy giao dịch của ngân hàng. Bạn cần mang theo thẻ tín dụng và giấy tờ tùy thân khi đến ngân hàng và yêu cầu nhân viên thực hiện giao dịch thanh toán dư nợ. Sau đó, bạn chỉ cần nộp số tiền và nhận biên lai xác nhận là có thể hoàn thành giao dịch.

Dư nợ thẻ tín dụng có thể thanh toán online hoặc thanh toán trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Dư nợ thẻ tín dụng có thể thanh toán online hoặc thanh toán trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.

5. Lãi suất và các phí liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng

Khi sử dụng thẻ tín dụng, nhiều người có thể không hiểu rõ về cách tính lãi suất và chi phí phát sinh khi sử dụng thẻ. Tuy nhiên, các khoản chi phí này lại có tác động lớn đến tình hình tài chính cá nhân.

Nếu không thanh toán đầy đủ dư nợ trước hạn, bạn sẽ phải chịu mức lãi suất khá cao, dao động từ 20% - 36% mỗi năm, tùy thuộc vào từng ngân hàng và loại thẻ tín dụng. Lãi suất này được tính dựa trên số dư nợ còn lại sau kỳ hạn thanh toán.

Ví dụ cách tính lãi: Giả sử, bạn có dư nợ là 10 triệu đồng, lãi suất áp dụng là 2%/tháng. Nếu bạn không thanh toán kịp thời, số tiền lãi mỗi tháng sẽ là 10.000.000 x 2% = 200.000 đồng.

Số tiền lãi này sẽ được cộng dồn vào dư nợ tháng tiếp theo, dẫn đến gánh nặng tài chính ngày càng lớn nếu không thanh toán đúng hạn.

Bên cạnh lãi suất, các loại phí phát sinh liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng cũng là một khoản khá tốn kém:

  • Phí phạt thanh toán chậm: Mức phí thường dao động 3% -  6% tổng dư nợ, tối thiểu khoảng 50.000 – 150.000 đồng tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
  • Phí chi tiêu vượt hạn mức: Trong trường hợp số tiền chi tiêu vượt quá hạn mức tín dụng được cấp, bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí bổ sung, thường từ 4% đến 5% số tiền vượt hạn mức này.
Lãi suất và các loại phí phát sinh liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng là một khoản khá tốn kém.
Lãi suất và các loại phí phát sinh liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng là một khoản khá tốn kém.

6. Ảnh hưởng của dư nợ thẻ tín dụng đến tài chính cá nhân

Dư nợ thẻ tín dụng nếu không được kiểm soát kịp thời có thể tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể đến tình hình tài chính cá nhân của bạn. Khi dư nợ không được thanh toán đúng hạn, số tiền lãi tích lũy sẽ tăng nhanh chóng vì lãi suất cao. Càng kéo dài, gánh nặng lãi suất sẽ càng lớn, thậm chí có thể vượt qua khả năng chi trả của bạn. Điều này khiến chi tiêu hàng tháng bị thâm hụt nghiêm trọng, gây áp lực tài chính dài hạn.

Không chỉ vậy, dư nợ kéo dài dễ khiến bạn rơi vào danh sách nợ xấu của hệ thống tín dụng, ảnh hưởng đến uy tín tài chính cá nhân. Lúc này, khả năng vay vốn trong tương lai của bạn cũng bị hạn chế vì các tổ chức tài chính thường sẽ đánh giá điểm tín dụng khi xét duyệt cấp vốn. Nếu có điểm tín dụng kém, bạn có  thể phải đối mặt với việc bị từ chối cho vay hoặc phải vay vốn với lãi suất cao hơn.

Chính vì vậy, bạn cần chú ý quản lý dư nợ một cách hiệu quả để xây dựng nền tảng tài chính ổn định và bền vững.

Dư nợ kéo dài dễ khiến bạn gặp khó khăn khi vay vốn trong tương lai.
Dư nợ kéo dài dễ khiến bạn gặp khó khăn khi vay vốn trong tương lai.

7. Lưu ý khi quản lý dư nợ thẻ tín dụng

Để kiểm soát hiệu quả dư nợ thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Kiểm soát chi tiêu, sử dụng thẻ tín dụng hợp lý để tránh dư nợ kéo dài. Bạn chỉ nên giữ tỷ lệ sử dụng hạn mức dưới 30% để có thể đảm bảo dễ dàng thanh toán đầy đủ và bảo vệ điểm tín dụng luôn ở mức tốt.
  • Thanh toán dư nợ đúng hạn để tránh bị tính lãi suất cao và các khoản phí phạt. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn thanh toán ít nhất số tiền tối thiểu trong thời gian quy định hoặc tốt nhất là thanh toán toàn bộ dư nợ để không phát sinh lãi suất.
  • Chủ động kiểm tra số dư nợ để có thể theo dõi chi tiêu và điều chỉnh kịp thời.  Nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ thông báo qua SMS hoặc ứng dụng di động, giúp bạn dễ dàng theo dõi các giao dịch và số dư nợ thẻ tín dụng một cách tiện lợi.
  • Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng do rút tiền mặt có tính phí rút tiền và lãi suất cao ngay từ thời điểm giao dịch.
  • Tận dụng thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng để thanh toán các khoản chi tiêu, hạn chế dư nợ bị tính lãi hay phí phạt. Hiện nay, các ngân hàng thường cung cấp thời gian miễn lãi cho thẻ tín dụng là khoảng 45 - 55 ngày. 
  • Thiết lập kế hoạch quản lý tài chính và tuân thủ nghiêm ngặt kế hoặc này. Bạn hãy xác định ngân sách chi tiêu hàng tháng và dự trù chi phí cho các khoản thanh toán thẻ tín dụng để duy trì mức dư nợ ổn định hoặc không còn dư nợ.
Để kiểm soát hiệu quả dư nợ thẻ tín dụng, bạn cần thanh toán đúng hạn và tận dụng thời gian miễn lãi.
Để kiểm soát hiệu quả dư nợ thẻ tín dụng, bạn cần thanh toán đúng hạn và tận dụng thời gian miễn lãi.

8. Kiểm soát dư nợ hiệu quả khi sử dụng thẻ tín dụng SeABank

Ngân hàng SeABank luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tín dụng tại Việt Nam. SeABank đã phát hành nhiều dòng thẻ tín dụng với ưu đãi đặc biệt duy nhất trên thị trường, nhiều chính sách hoàn tiền, khuyến mãi khi mua sắm, nghỉ dưỡng và thanh toán hấp dẫn. Đặc biệt, SeABank còn cung cấp nhiều dòng thẻ dành riêng cho phụ nữ và những người yêu thích mua sắm, du lịch, chơi golf, đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng và đem lại trải nghiệm tối ưu nhất.

Ngoài ra, khi sử dụng thẻ tín dụng SeABank, khách hàng còn được hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân và kiểm soát dư nợ hiệu quả với ưu điểm:

  • Hưởng ưu đãi miễn lãi 45 - 55 ngày
  • Lãi suất giảm dần theo hạn mức chi tiêu, đồng thời lãi suất được tính trên dư nợ thực tế chưa hoàn trả giúp giảm gánh nặng tài chính cho khách hàng.
  • Hoàn phí thường niên cho khách hàng trong các trường hợp nhất định, giúp giảm thiểu chi phí khi sử dụng thẻ tín dụng.
  • Nhiều ưu đãi hoàn tiền, giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn khi sử dụng dịch vụ của SeABank và các đối tác của SeABank.
  • Quản lý chi tiêu thông minh qua ứng dụng SeAMobile được tích hợp công nghệ hiện đại, có thể theo dõi dư nợ tín dụng cũng như các thông tin chi tiết về các giao dịch và hỗ trợ lập kế hoạch tài chính cá nhân.

Liên hệ ngay Hotline hoặc tới các chi nhánh/quầy giao dịch gần nhất của SeABank để được tư vấn về dịch vụ thẻ tín dụng bạn nhé!

Khi sử dụng thẻ tín dụng SeABank, khách hàng được hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân và kiểm soát dư nợ hiệu quả.
Khi sử dụng thẻ tín dụng SeABank, khách hàng được hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân và kiểm soát dư nợ hiệu quả.

Việc nắm bắt chính xác thông tin về dư nợ thẻ tín dụng giúp bạn tránh các khoản phí không mong muốn và duy trì điểm tín dụng tốt. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn biết cách sử dụng thẻ tín dụng thông minh, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và tận dụng tối đa các ưu đãi mà công cụ này mang lại.

Để khám phá thêm các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiên tiến, hãy truy cập website https://seabank.com.vn hoặc gọi ngay Hotline 1900.599.952 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank

  • Địa chỉ: Tòa nhà BRG, 198 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 
  • Call Center: KHCN 1900 555 587 / (024) 39448702 – KHDN 1900 599 952/ 024-32045952
  • Email CSKH: contact@seabank.com.vn

Tin Tức Liên Quan

Chat bot